Khi nhân sự cảm thấy mình bị bóc lột

Khi nhân sự cảm thấy mình bị bóc lột là như thế nào?
“Em cảm thấy mình bị bóc lột nếu đi thực tập không lương, làm không lương và thời gian làm việc nhiều” – Một bạn sinh viên nói với mình như vậy.
Mình đặt lại câu hỏi: “Em có gì để họ bóc lột?”.
Nghĩ một vài giây, bạn trả lời: “Em có thời gian”.
Vậy nếu em không để họ bóc lột thì em làm gì với thời gian đó? Em có tự tạo cho mình một sân chơi riêng để em tự làm cho em hoặc tự do thời gian theo như em muốn? để rồi sau đó em có thể phát triển trong ngành trong lĩnh vực mình mong muốn trong 5 – 10 năm tiếp theo?
Cái gì cũng có hai mặt được và mất, em chỉ mới nghĩ đến mặt em mất mà không nghĩ đến mặt em được, em chỉ mới nghĩ đến mặt doanh nghiệp được từ em là thời gian, công sức mà không nghĩ đến mặt doanh nghiệp mất.
blank
Họ được gì khi thuê em – một người không có kiến thức thực tế, chưa có kinh nghiệm, chưa có kỹ năng, non nớt trong nghề?
Không phải tham gia các khóa học tin học văn phòng, vài khóa kỹ năng mềm thì gọi là thành thạo kỹ năng; không phải tham gia vài cuộc thi trong các sự kiện, tham gia vài câu lạc bộ chuyên môn thì cho là có kiến thức; không phải nghe vài clip, nói chuyện với vài người nổi tiếng thì cho là mình có tư duy. Sự thật là, kỹ năng phải qua rất nhiều lần thao tác mới thành thạo, kiến thức phải qua cọ xát nhiều mới đúc kết được, tư duy thể hiện qua kết quả mình bàn giao, qua cách mình sống và ứng xử.
Ở giai đoạn mới ra trường đi làm, doanh nghiệp giao việc cho sinh viên, nhiều khả năng họ bị mất hơn là được. Họ có rủi ro cao bị mất khách hàng nếu giao bạn làm chăm sóc khách hàng, họ có khả năng chịu chi phí marketing cao nhưng không hiệu quả nếu giao bạn chạy quảng cáo, họ phải mất thời gian đi sửa sai nhiều hơn nếu giao bạn làm các công việc kiểm toán, họ có khả năng cao bị phạt thuế khi giao cho bạn mảng kế toán, khai báo và nộp thuế… Tất cả đều là mất tiền, mất uy tín, mất thời gian, mất tài sản của doanh nghiệp, vì chẳng ai có thể làm đúng ngay từ những lần đầu tiên được giao việc cả. Họ biết hết những điều này nhưng họ vẫn giao cho em làm.
Còn em, canh bạc này nếu em thua thì em mất thời gian, mất sức khỏe nhưng nếu em được thì sao? Bên cạnh lương và phúc lợi bằng tiền khác, nếu mà kể ra thì là những lợi ích vô giá, khó có thể định lượng như được trải nghiệm môi trường làm việc; được làm thực tế với công việc mình mong muốn; được thử và sai trên tiền của người khác; được đào tạo, có người hướng dẫn những bước đầu vào nghề; được sử dụng danh tiếng công ty nếu sau này em nhảy việc công ty khác; được các mối quan hệ khách hàng/đối tác trong công việc; hoặc ít ra là có việc để làm, để thấy bản thân còn đang tạo giá trị hơn là không làm gì dễ dẫn đến bị dụ dỗ, hoặc những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Dù họ không trả lương cho em mà em vẫn làm tốt thì cũng chỉ kéo dài đến tháng thứ 3, một doanh nghiệp tốt họ sẽ trả lương cho em xứng đáng với công sức em bỏ ra, xứng đáng với năng lực của em. Nếu họ không trả, lúc đó em nghỉ cũng không muộn.
Quyết định là một sự đánh đổi, lựa chọn việc này và không lựa chọn việc kia, lựa chọn việc được học, được trải nghiệmkhông đặt nặng chuyện lương, chuyện lợi ích cho bản thân hoặc ngược lại, tùy mỗi người. Cuộc sống không có gì có thể nói là đúng, là sai, là tốt cho mình, là xấu cho mình, chỉ có trong từng trường hợp cụ thể và biết rõ mình đang cần gì mới giúp mình đưa ra lựa chọn phù hợp.
Vì vậy, bản thân mình khi đi làm, khi được giao các dự án, mình làm với tâm thế biết ơn các doanh nghiệp đã can đảm nhận mình hơn là cảm thấy mình mang lại cho họ quá nhiều hơn những gì họ trả cho mình.
blank
Thời gian của em, tuổi trẻ của em nếu không để doanh nghiệp sử dụng bây giờ thì 5 – 10 năm nữa em phát triển thế nào khi suốt ngày cứ ca thán, mong cầu mà không chịu nỗ lực. Đa phần các bạn sinh viên bây giờ học có 3 năm rưỡi cho chương trình đại học, vậy thì hãy xem 6 tháng tiếp theo vẫn là khoảng thời gian thực tập nối dài để em được học trước khi đi làm thật sự, được lương thì vui, không được lương thì xem như là được trải nghiệm, được học miễn phí. Xoắn tay áo lên, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng làm mọi việc, không chê công việc được giao, đổ hết tâm tư, công sức vào những gì mình làm, không cần ai biết chỉ cần mình biết mình đang trọn vẹn với công việc được giao. Sự thật là ai cũng biết, ai cũng thấy, chỉ là người ta có nói ra hay không thôi.
Và cũng xin lưu ý thêm, quan trọng không kém, cũng nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn công ty, người chủ, người sếp để mình đánh đổi như vậy chứ không phải công ty nào cũng phù hợp.
Nguồn : Internet

Duẩn Tinh Hoa HR
Duẩn Tinh Hoa HR

Người làm về nhân sự.

Articles: 102